Báo cáo kiểm toán có ý nghĩa rất quan trọng đối với các doanh nghiệp, cổ đông, nhà đầu tư, cơ quan quản lý và công chúng, báo cáo kiểm toán không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan mà còn góp phần nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động quản lý và điều hành của doanh nghiệp. Các loại báo cáo kiểm toán được kiểm toán viên đưa ra với kết quả khác nhau. Nhưng điểm chung của các báo cáo vẫn phải đảm bảo tính tính trung thực, chính xác và hợp lý. Trong bài viết sau, MVA Quảng Ninh sẽ điểm danh 4 loại báo cáo kiểm toán cơ bản để quý công ty tham khảo và hiểu rõ hơn về vấn đề này.
I. Báo cáo kiểm toán là gì?
Báo cáo kiểm toán là văn bản do kiểm toán viên hoặc công ty kiểm toán phát hành, nhằm đưa ra ý kiến độc lập về tính trung thực, hợp lý và tuân thủ pháp luật của các thông tin tài chính, báo cáo tài chính hoặc các tài liệu liên quan được kiểm tra.
Báo cáo kiểm toán được quy định tại khoản 12 Điều 5 Luật Kiểm toán độc lập 2011 như sau:
“11. Kiểm toán hoạt động là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến về tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của một bộ phận hoặc toàn bộ đơn vị được kiểm toán.
12. Báo cáo kiểm toán là văn bản do kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam lập sau khi kết thúc việc kiểm toán, đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính và những nội dung khác đã được kiểm toán theo hợp đồng kiểm toán.
13. Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài, không có tư cách pháp nhân, được doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.”
Như vậy, theo quy định trên, báo cáo kiểm toán là văn bản do kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam lập sau khi kết thúc việc kiểm toán, đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính và những nội dung khác đã được kiểm toán theo hợp đồng kiểm toán.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Luật Kiểm toán độc lập 2011 thì báo cáo kiểm toán được sử dụng để:
(1) Cổ đông, nhà đầu tư, bên tham gia liên doanh, liên kết, khách hàng và tổ chức, cá nhân khác có quyền lợi trực tiếp hoặc liên quan đến đơn vị được kiểm toán xử lý các quan hệ về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan;
(2) Cơ quan nhà nước quản lý điều hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
(3) Đơn vị được kiểm toán phát hiện, xử lý và ngăn ngừa kịp thời sai sót, yếu kém trong hoạt động của đơn vị.
II. Các loại báo cáo kiểm toán
Báo cáo kiểm toán được chia thành nhiều loại khác nhau, tùy thuộc vào kết quả của quá trình kiểm toán và mức độ đảm bảo mà kiểm toán viên có thể cung cấp. Các loại báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính được quy định trong VSA 700 gồm các loại:
- Ý kiến chấp nhận toàn phần;
- Ý kiến chấp nhận từng phần;
- Ý kiến từ chối (hoặc ý kiến không thể đưa ra ý kiến);
- Ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược).
2.1. Báo cáo kiểm toán ý kiến chấp nhận toàn phần
Báo cáo kiểm toán đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần được trình bày trong trường hợp kiểm toán viên và công ty kiểm toán cho rằng báo cáo tài chính phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của đơn vị được kiểm toán, và phù hợp với chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam hiện hành (hoặc được chấp nhận). Ý kiến chấp nhận toàn phần cũng có hàm ý rằng tất cả các thay đổi về nguyên tắc kế toán và các tác động của chúng đã được xem xét, đánh giá một cách đầy đủ và đã được đơn vị nêu rõ trong phần thuyết minh báo cáo tài chính.
Đây là loại báo cáo kiểm toán phổ biến nhất và được coi là “sạch” nhất. Trong báo cáo này, kiểm toán viên kết luận rằng báo cáo tài chính đã được lập phù hợp với các chuẩn mực kế toán áp dụng và không có sai sót trọng yếu. Điều này không có nghĩa là báo cáo tài chính hoàn hảo 100%, mà chỉ ra rằng không có vấn đề đáng kể nào được phát hiện trong quá trình kiểm toán.
2.2. Báo cáo kiểm toán ý kiến chấp nhận từng phần
Báo cáo kiểm toán đưa ra ý kiến chấp nhận từng phần được trình bày trong trường hợp kiểm toán viên và công ty kiểm toán cho rằng báo cáo tài chính chỉ phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của đơn vị, nếu không bị ảnh hưởng bởi yếu tố tùy thuộc (hoặc ngoại trừ) mà kiểm toán viên đã nêu ra trong báo cáo kiểm toán. Điều này cũng có nghĩa là nếu các yếu tố do kiểm toán viên nêu ra trong báo cáo kiểm toán có ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính thì báo cáo tài chính đó đã không phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu.
Báo cáo này được đưa ra khi kiểm toán viên nhận thấy có một số vấn đề trong báo cáo tài chính, nhưng những vấn đề này không đủ nghiêm trọng để dẫn đến việc từ chối đưa ra ý kiến hoặc đưa ra ý kiến trái ngược.
2.3. Báo cáo kiểm toán ý kiến từ chối (hoặc ý kiến không thể đưa ra ý kiến)
Ý kiến từ chối (hoặc ý kiến không thể đưa ra ý kiến) được đưa ra trong trường hợp kiểm toán viên không thể đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính do thiếu bằng chứng kiểm toán hoặc do có những hạn chế đáng kể trong phạm vi kiểm toán. Điều này không nhất thiết có nghĩa là báo cáo tài chính có vấn đề, mà chỉ ra rằng kiểm toán viên không có đủ thông tin để đưa ra kết luận.
2.4. Báo cáo kiểm toán ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược)
Đây là loại báo cáo nghiêm trọng nhất. Ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược) được đưa ra trong trường hợp các vấn đề không thống nhất với Giám đốc là quan trọng hoặc liên quan đến một số lượng lớn các khoản mục đến mức độ mà kiểm toán viên cho rằng ý kiến chấp nhận từng phần là chưa đủ để thể hiện tính chất và mức độ sai sót trọng yếu của báo cáo tài chính.
Kiểm toán viên đưa ra ý kiến trái ngược khi họ kết luận rằng báo cáo tài chính không phản ánh trung thực và hợp lý tình hình tài chính của doanh nghiệp.
2.5. Báo cáo kiểm toán có đoạn nhấn mạnh
Đây không phải là một loại ý kiến kiểm toán riêng biệt, mà là một đoạn bổ sung trong báo cáo kiểm toán để nhấn mạnh một vấn đề cụ thể. Kiểm toán viên sử dụng đoạn này để thu hút sự chú ý của người đọc đến một vấn đề quan trọng đã được trình bày hoặc thuyết minh trong báo cáo tài chính, mà theo đánh giá của kiểm toán viên, vấn đề này rất quan trọng đối với việc hiểu báo cáo tài chính của người sử dụng.
III. Vai trò và mục đích của báo cáo kiểm toán
Báo cáo kiểm toán sẽ có vai trò và mục đích cụ thể do đó bạn cần nắm rõ những thông tin dưới đây.
3.1. Đảm bảo minh bạch tài chính
- Đánh giá tính chính xác và đáng tin cậy của báo cáo tài chính, giúp các bên liên quan (nhà đầu tư, cổ đông, cơ quan quản lý) yên tâm về số liệu tài chính.
3.2. Hỗ trợ ra quyết định
- Cung cấp thông tin tài chính đáng tin cậy để các bên liên quan đưa ra quyết định kinh doanh, đầu tư hoặc quản lý hiệu quả.
3.3. Phát hiện sai sót và gian lận
- Nhận diện các lỗi hoặc hành vi gian lận trong quá trình lập báo cáo tài chính.
3.4. Tuân thủ pháp luật và quy định
- Đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định pháp luật về kế toán, kiểm toán và thuế.
IV. Nội dung cơ bản của báo cáo kiểm toán
Báo cáo kiểm toán thường bao gồm các phần chính sau:
- Tiêu đề: Ghi rõ loại báo cáo kiểm toán (ví dụ: Báo cáo kiểm toán độc lập).
- Đối tượng kiểm toán: Mô tả đối tượng được kiểm toán (báo cáo tài chính, dự án, hệ thống).
- Trách nhiệm của ban quản lý: Xác định trách nhiệm lập báo cáo tài chính thuộc về ban lãnh đạo doanh nghiệp.
- Trách nhiệm của kiểm toán viên: Nêu rõ nhiệm vụ và vai trò của kiểm toán viên trong việc đưa ra ý kiến độc lập.
- Ý kiến kiểm toán:
– Ý kiến chấp nhận toàn phần: Báo cáo tài chính trung thực, hợp lý và tuân thủ các chuẩn mực kế toán.
– Ý kiến chấp nhận có ngoại trừ: Báo cáo tài chính hợp lý nhưng có một số vấn đề cần lưu ý.
– Ý kiến không chấp nhận: Báo cáo tài chính có sai sót nghiêm trọng, không phản ánh đúng thực tế.
– Ý kiến từ chối: Kiểm toán viên không đủ bằng chứng để đưa ra ý kiến.
- Cơ sở cho ý kiến kiểm toán: Giải thích các phương pháp, quy trình kiểm toán đã áp dụng.
- Chữ ký và thông tin của kiểm toán viên: Xác nhận tính hợp lệ của báo cáo.
III. Lời kết
Trên đây là toàn bộ thông tin về các loại báo cáo kiểm toán cơ bản hiện nay. Nếu quý vị và các bạn còn có những thắc mắc, câu hỏi cần giải đáp thêm vui lòng truy cập website mva.quangninh hoặc liên hệ trực tiếp đến số hotline 0966062968 để được tư vấn, hỗ trợ. Xin cảm ơn!